DỰ THẢO QUẢN LÝ SỬ DỤNG QUỸ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG: 10/11 khoản chi phí của Văn phòng EPR không đúng mục đích

(vasep.com.vn) Nhiều Hiệp hội doanh nghiệp quan ngại và góp ý về Dự thảo Thông tư quy chế quản lý,sử dụng đóng góp tài chính của nhà sản xuất, nhập khẩu vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải, liên quan đến Văn phòng hội đồng EPR (gọi tắt là Dự thảo), vì có nhiều điểm bất hợp lý và mâu thuẫn với Luật Bảo vệ Môi trường. Chiều 07/1, tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thảo tham vấn về dự thảo này.

DỰ THẢO QUẢN LÝ SỬ DỤNG QUỸ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG 1011 khoản chi phí của Văn phòng EPR không đúng mục đích

Liên quan đến dự thảo trên, ngày 11/10/2022, VASEP và 11 Hiệp hội doanh nghiệp đã gửi Văn bản góp ý tới Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. Theo đó, các Hiệp hội doanh nghiệp cho rằng Dự thảo còn nhiều điểm bất hợp lý và mâu thuẫn với Luật Bảo vệ Môi trường, Nghị định 08/2022/NĐ-CP (NĐ08) và các quy định pháp luật hiện hành; ảnh hưởng lớn đến niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp khi việc sử dụng nguồn tài chính đóng góp của các doanh nghiệp vào bảo vệ môi trường chưa thật sự đảm bảo đúng mục đích. 

Tại văn bản góp ý cũng như các ý kiến của các hiệp hội và DN tại Hội thảo ngày 7/11 đều thể hiện quan điểm của các Hiệp hội và cộng đồng DN là sẵn sàng và luôn ủng hộ về văn phòng EPR để bảo vệ môi trường (coi đó là trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất). Nhiều doanh nghiệp đã và đang tích cực tham gia EPR, bao gồm đóng góp tài chính, hoặc trực tiếp thu gom, tái chế sản phẩm, nhằm bảo vệ môi trường, ngay từ khi chưa có NĐ 08/2022/ND-CP. Vậy tại sao các Hiệp hội và cộng đồng DN lại quan ngại về Dự thảo này?

Vì có nhiều điểm bất hợp lý và mâu thuẫn với Luật Bảo vệ Môi trường. Trong đó, có 3 điểm mấu chốt khiến DN đặc biệt lo ngại:

Thứ nhất, nhiều khoản chi phí sử dụng không đúng mục đích khoản đóng góp của các DN, trái Luật BVMT và NĐ 08: 11 loại chi phí của Văn phòng EPR (điều 26) chỉ có 1 loại là dùng để hỗ trợ tái chế bao bì, sản phẩm, xử lý chất thải, 10 loại là cho các mục đích khác.

Luật Bảo vệ môi trường, điểm b, khoản 4, Điều 54, quy định: “Đóng góp tài chính được sử dụng để hỗ trợ cho hoạt động tái chế sản phẩm, bao bì”. Luật không quy định sử dụng đóng góp của DN cho mục đích khác.

Chi phí quản lý, điều hành văn phòng EPR Việt Nam bao gồm 11 loại chi phí (Điều 26 Dự thảo). Trong đó, chỉ có loại 1 “Chi phí hoạt động nghiệp vụ” bao gồm “1a. Chi phí liên quan đến hỗ trợ hoạt động tái chế; 1b) Chi phí liên quan đến hỗ trợ hoạt động xử lý chất thải; 1c) Chi cho hoạt động nghiệp vụ khác” là đã bao gồm hết các chi phí liên quan đến hỗ trợ hoạt động tái chế bao bì, xử lý chất thải, và phù hợp với Luật BVMT.

Còn lại 10 loại chi phí khác là dành cho mục đích khác, mà không phải là “hỗ trợ hoạt động tái chế, xử lý chất thải”. Ví dụ “hoạt động gửi tiền” (loại 4), “hội thảo, lễ tân, khánh tiết” (loại 9), “hỗ trợ hoạt động của Đảng, đoàn thể văn phòng EPR”(loại 11), trong khi hoạt động đảng, đoàn là vì mục đích công tác chính trị, chứ không phải là mục đích “hỗ trợ tái chế” như Dự thảo. Tiếp nữa là chi phí cho “Cổng thông tin EPR quốc gia” (Loại 2): Cổng thông tin nếu chỉ dùng để đăng thông tin chung chung về EPR như có hội thảo hay hoạt động nào đó, thì hoàn toàn có thể để chung trong website của Bộ TNMT như hiện nay đang làm, thành lập riêng vừa tốn kém vừa vô ích vì không thấy hiệu quả “hỗ trợ tái chế” của Cổng ở đâu. Nếu Cổng được dùng để các DN nộp hồ sơ online xin hỗ trợ tái chế thì sẽ phù hợp để coi là “hỗ trợ tái chế”, nhưng Dự thảo lại quy định nộp hồ sơ giấy!!! Có cả chi phí cho “Tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng” (loại 3), tức là cho người dân, trong khi EPR là cho doanh nghiệp nên là sai mục đích.

Thứ hai, việc xét duyệt hỗ trợ tái chế bao bì, sản phẩm, xử lý chất thải là theo cơ chế xin-cho, với các tiêu chí không rõ ràng, dễ nảy sinh tiêu cực. 

Dự thảo quy định các DN, dự án tái chế bao bì, xử lý chất thải nếu muốn nhận được hỗ trợ từ khoản tiền mà các DN đã đóng góp đều phải nộp hồ sơ xin hỗ trợ về Văn phòng EPR tại Bộ Tài nguyên Môi trường, rất khó khăn cho các tỉnh xa. Các tiêu chí xét duyệt hỗ trợ, mức hỗ trợ chưa được quy định rõ ràng, rất dễ nảy sinh tiêu cực, cụ thể.

Điều 8 khoản 2 quy định 5 tiêu chí để xem xét các dự án được cấp hỗ trợ, nhưng:

  • không có điểm cho từng tiêu chí,
  • không có cách chấm cụ thể, chỉ dùng các từ chung chung như “lớn hơn”, “cao hơn”, “ít hơn”, “các dự án khác”, không quy định cụ thể cao hơn, thấp hơn như thế nào, hay nếu 1 chỉ tiêu cao hơn nhưng 1 chỉ tiêu khác thấp hơn thì chọn ai, “các dự án khác” là các dự án nào
  • Mức hỗ trợ (các Điều 8, 10, khoản 3) chỉ nêu chung chung là Hội đồng EPR thông qua dựa theo phân nhóm sản phẩm, khối lượng đề nghị hỗ trợ, không có tiêu chí cụ thể.

Thứ ba, quy định trong Dự thảo cũng khác với thế giới. Với các nước tiên tiến, như EU và Mỹ,  EPR là do các Hiệp hội doanh nghiệp tự đóng góp, tự quản lý, và thực hiện tại từng địa phương, vì vấn đề môi trường trực tiếp ảnh hưởng đến các địa phương. Trong khi đó, dự thảo lại tạo ra 1 cơ quan hành chính mới để quản lý tiền DN đóng góp (Văn phòng EPR), nhưng DN không được tham gia để quản lý số tiền chính mình đóng góp, mọi việc xin-cho tập trung ở Bộ, gây tăng biên chế. Như vậy là trái với kinh nghiệm quốc tế, trái với chủ trương tinh giảm biên chế và phân cấp xuống địa phương của Chính phủ, không đủ minh bạch.    

Với những điểm bất hợp lý và không rõ ràng trong dự thảo, trong công văn góp ý cũng như tại buổi họp tham vấn ngày 7/11/2022 của Bộ Tài nguyên Môi trường, các hiệp hội và doanh nghiệp kiến nghị:

Về Văn phòng EPR: Cần quy định rõ ràng cơ cấu tổ chức, quyền hạn, trách nhiệm của Văn phòng EPR để không phát sinh biên chế, không sử dụng tiền đóng góp sai mục đích. Cụ thể:

- Sửa lại quy chế làm việc là “làm việc theo chế độ kiêm nhiệm” theo đúng quy định của NĐ 08, phụ cấp theo chế độ kiêm nhiệm quy định tại Nghị định 204/2004/NĐ-CP.

- Chi phí phụ cấp và chi phí văn phòng lấy từ “lãi tiền gửi ngân hàng” chứ không được trích từ khoản đóng góp của DN theo đúng NĐ 08

- Các khoản chi phí chỉ cho mục đích hỗ trợ tái chế bao bì, xử lý chất thải theo quy định tại Luật BVMT, không cho mục đích khác, phải hợp lý, hợp lệ theo quy định quản lý hành chính cho cán bộ nhà nước.

Hội đồng EPR cần có thành viên của các Hiệp hội, vì đây là tiền DN nộp, DN cần được tham gia giám sát để đảm bảo việc sử dụng minh bạch, đúng mục đích

Quản lý thu chi khoản đóng góp của các DN, xét duyệt hỗ trợ tái chế bao bì, xử lý chất thải cần phân cấp và minh bạch:

- Việc giải quyết các vấn đề môi trường ở địa phương nên phân cấp cho địa phương giống như kinh nghiệm quốc tế. Bộ (Hội đồng EPR, Văn phòng EPR) chỉ nên đưa ra chủ trương, kế hoạch hành động và giám sát việc thực hiện nói chung

- Xây dựng các tiêu chí rõ ràng, có điểm cụ thể cho từng tiêu chí. Bỏ các tiêu chí mơ hồ như “căn cứ điều kiện kinh tế, xã hội” hay không định lượng được như “nhiều hơn”, “ít hơn”.

- Nộp hồ sơ online thay vì nộp hồ sơ giấy.

Lê Hằng
Giám đốc Truyền thông VASEP
Email: lehang@vasep.com.vn
Điện thoại 024. 37715055 - ext.204

Bình luận bài viết

Tin liên quan
Tin cùng chuyên mục

  • Trang chủ - Right- BOTTOM
  • Trang chủ - Right - BOTTOM