Rà soát vướng mắc các thông tư, giảm thủ tục, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

(vasep.com.vn) Ngày 7/11/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh đã có công văn gửi các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; các Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu khẩn trương chỉ đạo rà soát toàn bộ các thông tư đang còn hiệu lực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ, ngành để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, giảm bớt các thủ tục yêu cầu không cần thiết, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, doanh nghiệp…

Năm 2022 là một năm có nhiều biến động và khó khăn đối với ngành XNK thuỷ sản như hệ luỵ của đại dịch Covid,  xung đột Nga – Ukraine, lạm phát giá trong nước và ở các thị trường, chi phí sản xuất và kinh doanh tăng mạnh, biến động tỷ giá ngoại tệ…Nhưng nhờ kinh tế và môi trường kinh doanh ở Việt Nam ổn định và thuận lợi, nên các DN thuỷ sản Việt Nam đã biến những thách thức thành cơ hội, đẩy mạnh XK. Nhờ đó,  dự kiến đến cuối tháng 11, XK thuỷ sản Việt Nam sẽ đạt hơn 10 tỷ USD – mốc kỷ lục lịch sử ngành thuỷ sản Việt Nam sau hơn 20 năm tham gia vào thị trường thế giới.

Tuy nhiên 3 tháng cuối năm và năm tới là giai đoạn khó khăn của ngành thuỷ sản khi mà XK phải gánh chịu những áp lực từ thị trường do lạm phát, do nhu cầu giảm và các áp lực nội tại như chi phí đầu vào tăng cao, nguyên liệu thiếu hụt và một số vướng mắc khác về các thủ tục…

Thành tựu 10 tỷ USD XK tính đến nay là kết quả của ý chí, sự đoàn kết, đồng lòng của cộng đồng DN thuỷ sản, cùng nắm tay nhau đi qua những giai đoạn gian nan, thử thách, và quan trọng hơn là luôn được Chính phủ chỉ đạo sát sao, cùng các Bộ ngành đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện môi trường kinh doanh thuận lợi và tạo động lực để phục hồi sản xuất, tận dụng thời cơ thị trường, đẩy mạnh XK.

Tiếp tục và thường xuyên cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thúc đẩy SX kinh doanh cho DN, ngay mới đây, ngày 7/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh đã có công văn 1045/TTg-PL gửi các Bộ trường, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; các Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu:

- Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ khẩn trương chỉ đạo rà soát toàn bộ các thông tư đang còn hiệu lực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ, ngành để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, giảm bớt các thủ tục yêu cầu không cần thiết, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, doanh nghiệp…

- Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW chỉ đạo rà soát quy định của các thông tư, phát hiện các vướng mắc, bất cập, những nội dung không còn phù hợp thực tiễn và đề xuất giải pháp xử lý gửi các bộ, cơ quan liên quan để kịp thời nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung.

Thực hiện chỉ đạo trên ngày 11/11 vừa qua, Bộ NN và PTNT đã có công văn số 7591 gửi Hiệp hội VCCI và các Hiệp hội ngành hàng trong lĩnh vực nông, lâm thuỷ sản đề nghị có các ý kiến, phản ánh về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các thông tư do Bộ trưởng Bộ NN và PTNT ban hành, liên tịch ban hành, kiến nghị, đề xuất, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, thay thế…

Cũng liên quan đến việc góp ý sửa đổi thông tư, đúng như tinh thần chỉ đạo của Phó Thủ tướng CP Phạm Bình Minh và công văn của Bộ NN và PTNT, ngày 15/11/2022, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã gửi công văn số 92/CV-VASEP tới Cục Quản lý Chất lượng NLS và Thủy sản - Bộ NN&PTNT v.v góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số Thông tư 48 quy định thẩm định, chứng nhận cơ sở SX, KD đủ điều kiện ATTP.

Tại Dự thảo, nhiều nội dung quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến  doanh nghiệp CB, XK thủy sản đã được điều chỉnh như các hình thức thẩm định cấp Giấy chứng nhận ATTP, bổ sung Danh sách XK, tần suất thẩm định, đánh giá điều kiện ATTP, thủ tục thẩm định cấp chứng thư…

Theo đó, VASEP góp ý sửa đổi một số điểm liên quan đến tiêu chí danh sách DN ưu tiên, tần suất giám sát lô hàng sau thẩm định, chứng nhận…với mong muốn các điều chỉnh không làm gia tăng chi phí xã hội và phải phù hợp với chủ trương của Chính phủ là giảm các thủ tục không cần thiết. Ngoài ra, Hiệp hội đã tổng hợp ý kiến của DN và đề xuất kiến nghị sửa đổi một số nội dung chưa có trong Dự thảo.  

Qua đó, Hiệp hội đề nghị Cục NAFIQAD xem xét tiếp thu một số ý kiến góp ý & đề xuất tại công văn 129/2021 của VASEP mà chưa được tiếp thu hoàn toàn tại dự thảo mới nhất (T11/2022), cũng như xem xét các góp ý-đề xuất cho các nội dung bổ sung mới tại công văn 92/2022- VASEP. 

Lê Hằng
Giám đốc Truyền thông VASEP
Email: lehang@vasep.com.vn
Điện thoại 024. 37715055 - ext.204

Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục

  • Trang chủ - Right- BOTTOM
  • Trang chủ - Right - BOTTOM