“Đường dẫn” vào 65% GDP toàn cầu

Năm 2015 được nhiều người ví như “mùa bội thu” của Hiệp định Thương mại tự do (FTA) khi Việt Nam đã ký thêm FTA Việt Nam - Hàn Quốc và FTA Việt Nam - Liên minh kinh tế Á- Âu. Ngoài ra, FTA Việt Nam- EU và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã tuyên bố kết thúc đàm phán và sẽ sớm ký kết.

Hội nhập sâu rộng

Năm 2015, hàng loạt FTA đã và sắp ký kết, “mở toang” cánh cửa kinh tế Việt Nam với các nền kinh tế thế giới.

Ngày 5/5/2015, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng và Bộ trưởng Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc Yoon Sang-jick đã đặt bút ký FTA Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA), hiệu lực từ ngày 20/12/2015. Với FTA này, Hàn Quốc tự do hóa 97,2% giá trị nhập khẩu, chiếm 95,4% số dòng thuế, đặc biệt trong đó có nhiều nhóm hàng nông, thủy sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Mặt khác, Việt Nam cam kết mở cửa đối với 200 mặt hàng - trong đó phần lớn là nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất và nhiều dịch vụ như cho thuê máy móc, thiết bị. Bởi vậy, hiệp định này tác động tích cực tới doanh nghiệp (DN) sản xuất, chế biến khi giúp DN tránh phụ thuộc quá lớn vào nguyên liệu từ Trung Quốc, cũng như có thể tiết kiệm chi phí, tạo điều kiện cho DN thay đổi công nghệ.

Ngày 29/5, FTA giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á- Âu cũng đã được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Thủ tướng các nước thành viên gồm: Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan- ký kết. Sự kiện này sẽ tạo thêm nhiều cơ hội xuất khẩu quan trọng đối với các nhóm hàng Việt Nam như nông sản và hàng công nghiệp. Ngay khi FTA có hiệu lực, 71% dòng thuế với thủy sản; 36% với dệt may và đồ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam lập tức bị xóa bỏ. Ngược lại, Việt Nam cũng xóa bỏ thuế nhập nhẩu ngay lập tức đối với một số ngành như: máy móc, thiết bị (một số dụng cụ, thiết bị quang học…); phân bón (phân DAP, ure); sắt thép (nguyên liệu thô, một số loại ống thép hàn, thép hợp kim chế tạo cơ khí…)…

“Đường dẫn” vào 65% GDP toàn cầu

Năm 2015, công cuộc hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam lại tiếp tục ghi nhận một thành quả lớn lao khác khi FTA giữa Việt Nam - EU (EVFTA) đã chính thức kết thúc đàm phán vào ngày 2/12. Là hiệp định mang tính toàn diện cao, ngay khi có hiệu lực, EU xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. 7 năm sau, EU cam kết xóa bỏ 99,2% số dòng thuế trong biểu thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU. Đối với 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại (bao gồm một số sản phẩm gạo, ngô ngọt, tỏi, nấm, đường và các sản phẩm chứa hàm lượng đường cao, tinh bột sắn, cá ngừ đóng hộp), EU cam kết mở cửa cho Việt Nam theo hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.

Đáng chú ý và được cộng đồng DN mong chờ nhất, TPP vừa chính thức kết thúc đàm phán (ngày 5/10) đã mang tới nhiều hy vọng mới cho 12 nước thành viên, trong đó có Việt Nam về một khu vực thương mại tự do rộng lớn. Ở đó, hàng hóa và dịch vụ sẽ tự do lưu thông mà không phải chịu thuế, hạn ngạch hay các hàng rào kỹ thuật và thủ tục hành chính. Về thuế, theo cam kết của Hoa Kỳ, khoảng 98% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa nông sản của Việt Nam vào quốc gia này sẽ được hưởng thuế nhập khẩu 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực. Trong đó, 92,68% kim ngạch xuất khẩu thủy sản và 100% kim ngạch xuất khẩu gỗ sẽ được xóa bỏ thuế quan ngay khi TPP có hiệu lực.

Nhìn lại kết quả đàm phán, ông Lương Hoàng Thái –Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) - đánh giá: Với 4 FTA trên cùng 45 đối tác, Việt Nam đã tạo dựng được quan hệ thương mại tự do với một khu vực thị trường rộng lớn, chiếm tới 65% GDP toàn cầu. Đây là động lực mới cho tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong những năm tới khi những yếu tố thúc đẩy trước kia đã đến ngưỡng.

Doanh nghiệp cần chủ động

Các FTA đã ký kết hoặc vừa kết thúc đàm phán có ý nghĩa rất quan trọng, đánh dấu bước ngoặt lịch sử mới cho quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, cả từ phía Chính phủ và cộng đồng DN để hấp thụ được cơ hội và đương đầu với thách thức. Với DN, sức ép cạnh tranh, sức ép hoàn thiện chính mình để vươn lên rất lớn. Với nhà quản lý là sức ép thay đổi tư duy quản lý, tư duy làm chính sách theo hướng minh bạch hóa và tăng tính tương tác với DN để thực hiện tốt vai trò nhà nước kiến tạo.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú đã nhiều lần nhấn mạnh: Khi các FTA được ký kết và bước vào giai đoạn thực thi thì công tác hội nhập trong nước cần phải gắn kết chặt chẽ với với tiến trình cải cách, hoàn thiện thể chế kinh tế, đặc biệt cần sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải thiện môi trường kinh doanh để có thể thực hiện hiệu quả các cam kết Việt Nam đã thỏa thuận.

Thời gian qua, Bộ Công Thương và cùng các bộ, ngành khác đã rất nỗ lực tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền phổ biến nội dung các FTA. Nội dung tóm tắt các hiệp định cũng được Bộ Công Thương đăng tải. Tuy nhiên, Trưởng đoàn đàm phán cấp Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho rằng, những thông tin đó đều chỉ là đề dẫn, mở đầu cho hoạt động sau này. Trên nền tảng đó, cơ quan quản lý và DN phải tiếp tục tự chủ động nghiên cứu để thấy được tác động của các hiệp định đến lĩnh vực của mình.

Tin cùng chuyên mục