Kết cấu chính của các Hiệp định thương mại tự do EU

 Trong phân tích này, lựa chọn 4 Hiệp định Thương mại Tự do bởi tính mới và tương đồng về loại FTA sẽ được EU đề xuất và sẽ có nhiều khả năng là chuẩn hữu ích để đánh giá các yêu cầu của EU đối với Việt Nam. Các Hiệp định đó là:

·                     EU – Chile

·                     EU – Hàn Quốc

·                     EU – CARIFORUM

·                     EU – Colombia và Peru

 

 

 

EU – Hàn Quốc

 

EU - Chile

 

EU – Col/Peru

 

EU - CARIFORUM

Thương mại hàng hóa

Các biện pháp phòng vệ thương mại

KHÔNG

KHÔNG

Các rào cản kỹ thuật đối với thương mại (TBT)

KHÔNG

Các biện pháp vệ sinh dịch tễ

KHÔNG

Thuận lợi hóa thương mại và thuế quan

KHÔNG

Thương mại dịch vụ và đầu tư

CHỈ THƯƠNG MẠI TRONG DỊCH VỤ VÀ THÀNH LẬP

Thanh toán và di chuyển vốn

Mua sắm công

KHÔNG

Sở hữu trí tuệ

KHÔNG

Cạnh tranh

Minh bạch hóa

Phát triển bền vững

KHÔNG

Giải quyết tranh chấp

Thương mại hàng hóa

Cắt giảm thuế quan

Cắt giảm thuế quan luôn là vấn đề then chốt trong một hiệp định thương mại tự do. Tùy thuộc vào đối tác thương mại của FTA và đặc biệt là với các quốc gia đang phát triển, việc cắt giảm thuế quan đối với “hầu hết thương mại” sẽ là trọng tâm của đàm phán. Tất nhiên, việc cắt giảm thuế quan đều phải từ hai phía nhưng gánh nặng nhất sẽ thuộc về quốc gia đối tác của EU.

Thực tế, khi nhìn lại biểu thuế quan của EU đối với hàng hóa, chúng ta thấy rằng hầu hết các dòng thuế là rất thấp đối với tất cả các sản phẩm, ngoại trừ đối với hàng nông nghiệp và thủy hải sản. Trong các đàm phán, các nhà đàm phán thương mại của EU thường kiên quyết giữ các mức thuế bảo hộ trong lĩnh vực sản phẩm nông nghiệp và thủy hải sản cao trong khi có thể giảm mức thuế quan đối với tất cả các sản phẩm khác.

Ngược lại, khi xem xét việc cắt giảm thuế quan của các nước là đối tác FTA của EU (sau đây gọi là PC), việc cắt giảm thuế quan là cao hơn trong dài hạn. Các quốc gia đối tác có thể không chấp nhận sự không đối xứng trong thỏa thuận và vì thế EU thường nhượng bộ các vấn đề khác để cân bằng trong đàm phán. Thông thường thậm chí ở PC, lĩnh vực nông nghiệp vẫn bị bỏ lại không mở cửa thị trường để ngăn cản hàng nông nghiệp được trợ cấp của EU xâm nhập thị trường nội địa. EU thường tránh hoặc hạn chế tối đa những nhượng bộ thuế quan đối với các sản phẩm như thịt bò, đường, các sản phẩm sữa, ngũ cốc và các sản phẩm từ ngũ cốc, gạo, một số loại trái cây tươi và rau, hoa và các sản phẩm thủy hải sản. Đối tác là quốc gia đang phát triển thường cũng không nhượng bộ thuế quan đối với các sản phẩm nông nghiệp để bảo vệ ngành nông nghiệp các nước này trước sự xâm nhập của hàng nông nghiệp được trợ cấp của EU như thịt bò, cá sản phẩm sữa và ngũ cốc. Kết quả như trong trường hợp hiệp định với Mexico, chỉ 62% thương mại song phương trong lĩnh vực nông nghiệp được mở cửa hoàn toàn, trường hợp hiệp định với Nam Phi 62% hàng nhập khẩu vào EU được cam kết mở cửa trong khi Nam Phi mở cửa hoàn toàn với 82% hàng nhập khẩu từ EU. Các nhà đàm phán EU cũng chấp nhận cho các quốc gia đối tác có nhiều thời gian hơn để đạt được lộ trình cam kết mở cửa hoàn toàn trong thương mại hàng hóa. Cụ thể, trong khi thông thường EU sẽ hoàn thành quá trình mở cửa trong 5 năm, các nước đối tác có thể kéo dài thời gian thời gian này từ 5 đến 15 năm. Việc cắt giảm thuế sẽ được thực hiện dần dần trong khoảng thời gian chuyển đổi này, và vì vậy đây là cơ hội để các nhà sản xuất nội địa có thể dần thích nghi với việc cắt giảm các loại thuế quan. Người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi từ việc giá cả hàng hóa thấp hơn và các nhà xuất khẩu có khả năng cạnh tranh hơn. Mô hình giảm thuế ở các nước đang phát triển thường thực hiện theo thứ tự lần lượt :các loại thuế áp đặt lên vốn và hàng hóa trung gian sẽ được loại bỏ trước, sau đó mới tới việc loại bỏ các loại thuế đánh vào hàng tiêu dùng cuối cùng, loại hàng hóa chịu mức thuế ban đầu cao hơn rất nhiều và chỉ được mở cửa sau khi kết thúc giai đoạn chuyển đổi.

Các rào cản phi thuế quan (TBT)

Với “Chiến lược Châu Âu Toàn cầu” mới, EU muốn tiếp cận thị trường sâu hơn thông qua việc loại bỏ các hàng rào phi thuế quan (NTBs). NTBs là tất cả các rào cản đối với thương mại ngoài thuế quan và đặt ra dưới rất nhiều hình thức khác nhau. Trong các Hiệp định của WTO, có một hiệp định dành riêng cho NTBs có tên chính thức là Các rào cản kỹ thuật đối với thương mại (TBT). Những rào cản đó tồn tại dưới những quy định khác nhau về tiêu chuẩn, yêu cầu, quy tắc và thủ tục kiểm tra và chứng nhận. Cái giá phải trả cho những hàng rào phi thuế quan là một gánh nặng lớn, thường cao hơn thuế quan, đặc biệt đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Vì nhiều rào cản là tác động kèm theo của việc theo đuổi các mục tiêu chính sách công, nên việc vượt qua các tác động tiêu cực đòi hỏi phải tìm ra các giải pháp cân bằng.

Các phụ lục trong NTBs giải quyết một cách hiệu quả những quy định và các rào cản mà ngành sản xuất EU coi là rào cản quan trọng nhất trong tiếp cận thị trường nước ngoài. Các rào cản kỹ thuật thường rất chi tiết và mang tính kỹ thuật, vì vậy việc xử lý các rào cản này là rất khó và đòi hỏi phải đi sâu vào thông lệ pháp luật của các nước đối tác. Vì vậy việc xây dựng các quy tắc về NTBs dựa trên dựa trên mô hình pháp lý của EU là rất hữu ích.

Trong mỗi hiệp định, các nhà đàm phán EU đều phân tích một số ngành cụ thể được lựa chọn theo mối quan tâm của các nhà xuất khẩu hay nhập khẩu EU và đàm phán các phụ lục cụ thể nhằm thu hẹp khoảng cách về quy định giữa hai bên trong lĩnh vực liên quan. Điều này thực hiện được bằng cách cả hai bên cùng công nhận các tiêu chuẩn quốc tế và xem chúng có giá trị tương đương với tiêu chuẩn quốc gia.

Các phụ lục cụ thể đã được đàm phán: Điện tử tiêu dùng, dược phẩm, ô tô và các sản phẩm hóa chất.

Trong chiến lược NTB, các FTA của EU thường có một chương dựa trên các điều khoản của hiệp định TBT của WTO. Thêm vào đó, họ cũng đưa ra các điều khoản hợp tác về các vấn đề pháp lý và tiêu chuẩn, và, trong những tình huống thích hợp, thiết lập những cuộc đối thoại giữa những nhà quản lý với mục tiêu đơn giản hóa và tránh những sự mâu thuẫn không đáng có trong các yêu cầu kỹ thuật áp dụng cho các sản phẩm. Các Hiệp định này cũng có những yêu cầu cụ thể về việc thực hành quản lý tốt: minh bạch trong ban hành các quy định, sử dụng các tiêu chuẩn quốc tế khi cần thiết, cho đối tác cơ hội để thảo luận các quy tắc trước khi ban hành một khoảng thời gian hợp lý để bình luận và cân nhắc các bình luận này khi xem xét thông qua. Những vấn đề tương tự cũng được nêu trong trường hợp các tiêu chuẩn kỹ thuật.

Các Hiệp định này cũng có những điều khoản về ghi nhãn và dán nhãn, theo đó các yêu cầu về ghi dán nhãn sản phẩm cần được giảm thiểu và phải được áp dụng không phân biệt đối xử. Cuối cùng, một cơ chế hợp tác được thiết lập giữa các thành viên FTA để vấn đề này luôn được kiểm soát và giải quyết bất kỳ vấn đề cụ thể nào.

Các biện pháp vệ sinh dịch tễ (SPS)

Mục đích chính của Chương về các biện pháp vệ sinh dịch tễ (SPS) là tạo thuận lợi hóa hơn nữa trong thương mại giữa EU và các đối tác về động vật, thực vật và các sản phẩm từ động vật, thực vật trong khi vẫn đảm bảo duy trì mức độ bảo vệ cao về tính mạng, sức khỏe con người, động vật và thực vật. Một mục tiêu nữa là đảm bảo sự minh bạch liên quan đến các biện pháp vệ sinh dịch tễ ảnh hưởng đến thương mại.

Để có một cách hiểu chung về vấn đề này, chương này trong FTA cũng bạo gồm những điều khoản về hợp tác. Mục đích này sẽ đạt được thông qua các yếu tố chính sau:

·                     Một hình thức đối thoại chính thức về các vấn đề SPS ảnh hưởng đến thương mại;

·                     Các cam kết cụ thể về: minh bạch hóa ( đặc biệt liên quan đến các điều kiện nhập khẩu), tư vấn, hợp tác hướng đến phát triển một cách hiểu chung về các tiêu chuẩn quốc tế và đối xử công bằng của tất cả các thành viên EU;

·                     Quy trình công nhận các khu vực không mắc bệnh, ví dụ các khu vực đủ điều kiện xuất khẩu sản phẩm sang đối tác.

Trong khuôn khổ FTA, một cơ chế hợp tác cụ thể giữa các bên (Ủy ban về các biện pháp SPS) có thể được thiết lập để thực thi chương SPS. Ủy ban này sẽ xây dựng các thủ tục và sắp xếp cần thiết, sẽ giám sát tiến trình và đưa ra một diễn đàn để thảo luận các vấn đề phát sinh khi áp dụng một số biện pháp SPS nhất định.

Thuận lợi hóa thương mại và hải quan

Hiệp định này sẽ nâng cao sự hợp tác về hải quan và các vấn đề liên quan đến hải quan. Cụ thể, các bên sẽ cam kết, nhưng không giới hạn ở, các vấn đề sau:

·                     Theo đuổi sự hài hòa hóa các yêu cầu về chứng từ và dữ liệu với mục đích thuận lợi hóa thương mại giữa các bên;

·                     Xây dựng kênh đối thoại hiệu quả với cộng đồng doanh nghiệp;

·                     Hỗ trợ nhau trong các vấn đề liên quan đến phân loại thuế quan, định giá và xuất xứ sản phẩm ưu tiên;

·                     Thúc đẩy thực thi mạnh mẽ quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến xuất khẩu, nhập khẩu và quá cảnh;

·                     Tăng cường an ninh đối với containers đường biển và các lô hàng khác nhập vào, quá cảnh qua hoặc quá cảnh sang các bên trong khi vẫn thuận lợi hóa thương mại

Hiệp định cũng đưa ra một tiêu chuẩn toàn diện để ứng dụng các thủ tục hải quan và biên giới hiện đại và thân thiện (với thương mại). Các điều khoản này được xây dụng dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế và đề cập hầu hết các vấn đề được đưa ra trong Nhóm đàm phán về thuận lợi hóa thương mại của WTO. Để có được sự minh bạch và ổn định pháp lý, các điều khoản thuận lợi hóa thương mại trong FTA có thể quy định về các phán quyết trước, thủ tục kháng cáo và quy tắc chi tiết trong việc ban hành quy định pháp lý liên quan đến thương mại và hải quan, phí và lệ phí, các điểm yêu cầu và tư vấn với đại diện của cộng đồng thương mại. Để đơn giản hóa và thuận lợi hóa các thủ tục biên giới, chương này có thể gồm các điều khoản nhằm giảm phí và lệ phí, quản lý rủi ro, nộp chứng từ điện tử, loại bỏ kiểm tra trước khi giao hàng, đơn giản hóa thủ tục hải quan và định giá hải quan.

Các Hiệp định này cũng thành lập một Ủy ban Hải quan gồm các đại diện của các cơ quan hải quan và các cơ quan có thẩm quyền khác của các bên chịu trách nhiệm về vấn đề thuận lợi hóa hải quan và thương mại.

Ủy ban này chủ trì một diễn đàn thảo luận và cố gắng giải quyết bất kỳ sự khác biệt nào phát sinh giữa các bên liên quan đến các vấn đề thuận lợi hóa thương mại và hải quan như phân loại thuế quan, xuất xứ hàng hóa, hỗ trợ hành chính lẫn nhau trong các vấn đề hải quan. Ủy ban cũng có thể đưa ra ý kiến và khuyến nghị cần thiết để đạt được mục tiêu đã đưa ra trong chương về thuận lợi hóa thương mại và hải quan trong hiệp định. Trong thời gian giữa các phiên họp Ủy ban, cả hai bên hợp tác chặt chẽ thông qua các kênh không chính thức và bên lề các cuộc họp quốc tế (ví dụ trong khuân khổ của Tổ chức Hải quan Thế giới hay WTO).

Các biện pháp phòng vệ thương mại

Chương các biện pháp phòng vệ thương mại bao gồm các điều khoản liên quan đến việc sử dụng các công cụ bảo hộ thương mại truyền thống đã tồn tại trong WTO (chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ toàn cầu).

Nguyên tắc chính liên quan đến các công cụ truyền thống này phải khẳng định lại nhu cầu cần tôn trọng quyền và nghĩa vụ quy định trong WTO trong khi vẫn phải đưa ra các quy định nhằm giới hạn việc sử dụng các công cụ này chỉ trong các trường hợp cần thiết và đảm bảo sự đối xử công bằng cho tất cả các bên liên quan. Tất cả các điều này đều được đã được ghi nhận trong luật pháp EU.

Ví dụ, FTA yêu cầu mức thuế cần thấp hơn biên độ phá giá hay trợ cấp và chỉ ở mức đủ để loại bỏ thiệt hại. FTA cũng cho phép tiến hành kiểm tra lợi ích cộng đồng để có thể cân bằng những lợi ích khác nhau và xác định tác động có thể của các loại thuế đối với các chủ thể kinh tế trước khi áp dụng bất kỳ biện pháp nào.

Các Hiệp định cũng có những điều khoản nhằm tăng cường tính minh bạch trong quá trình điều tra, tạo cơ hội để các chủ thể kinh tế tham gia vào quá trình điều tra được cung cấp chứng từ bằng tiếng Anh, điều này cho phép các bên liên quan thực hiện tốt hơn quyền bào chữa của mình và tránh các chi phí dịch thuật đắt đỏ

Các Hiệp định cũng gồm một điều khoản về tự vệ song phương, cho phép một trong hai bên có thể sử dụng thuế quan tạm thời áp dụng cho các thành viên WTO trong trường hợp có sự gia tăng hàng nhập khẩu gây ra hoặc có nguy cơ gây ra thiệt hại nghiêm trọng. EU sẽ giám sát thị trường trong các lĩnh vực nhạy cảm và sẵn sàng khởi xướng các thủ tục điều tra tự vệ nếu thỏa mãn các điều kiện. Ngay khi hiệp định có hiệu lực, EU thường thông qua các thủ tục thi hành nhanh và hiệu quả điều khoản tự vệ song phương này.

Cuối cùng, một nhóm làm việc về các biện pháp phòng vệ thương mại cũng được thành lập để xây dựng một diễn đàn đối thoại về hợp tác về các biện pháp phòng vệ thương mại. Điều này sẽ cho phép các cơ quan điều tra của mỗi bên có kiến thức đầy đủ hơn về việc thực hiện và trao đổi quan điểm để nâng cao tiêu chuẩn sử dụng trong thủ tục điều tra phòng vệ thương mại.

Thương mại Dịch vụ, Thành lập Doanh nghiệp và Thương mại Điện tử

Các FTA mới của EU chủ yếu dựa vào tiếp cận thị trường trong thương mại dịch vụ và cố gắng để đạt được mức độ nhượng bộ thương mại và thực hiện mạnh mẽ hơn GATS. Ngược với FTA của các quốc gia khác, cho đến nay các FTA của EU không có một chương riêng dành cho thương mại dịch vụ và đầu tư. Thay vào đó là một mục chung về các vấn đề về mở cửa dịch vụ, đầu tư thì chỉ giới hạn ở vấn đề hiện diện thương mại. Thông lệ này rất có thể sẽ thay đổi trong tương lai khi EU được trao thẩm quyền về vấn đề đầu tư.

Mục của dịch vụ gồm 6 đến 7 chương. Chương đầu tiên đưa ra các điều khoản chung. Chương thứ hai liên quan đến hiện diện/thiết lập thương mại, áp dụng cho cả các hoạt động dịch vụ và các hoạt động kinh tế phi dịch vụ (giống kiểu của NAFTA). Chương thứ ba liên quan đến thương mại dịch vụ xuyên biên giới. Chương thứ tư liên quan đến di chuyển tạm thời thể nhân và chương thứ năm là khung pháp lý. Chương thứ 6 đề cập đến vấn đề thương mại điện tử trong khi chương 7 liên quan đến gói hợp tác dịch vụ (viện trợ thương mại). Thêm vào đó, các FTA của EU gồm các phụ lục bổ sung cụ thể đối với một số ngành tiêu biểu như giao thông, viễn thông, tài chính, dịch vụ pháp lý, dịch vụ môi trường, vận tải biển và xây dựng.

Ngoài Mục về dịch vụ, các FTA của EU cũng gồm các điều khoản về di chuyển vốn tự do để đảm bảo sự vận hành suôn sẻ của hiệp định. Các điều khoản này bao gồm các biện pháp tự vệ tiêu chuẩn cho cả hai bên với khả năng áp dụng các biện pháp để đảm bảo tính ổn định của hệ thống tài chính..

Các vấn đề khác liên quan đến thương mại

Mua sắm chính phủ

Trong tất cả các FTA của EU đều có Chương về mua sắm chính phủ (mua sắm công). Chương này áp dụng cho mua sắm công cả về hàng hóa và dịch vụ. Việc đưa Chương này vào FTA là rất có ý nghĩa bởi nhiều đối tác thương mại của EU không có quy định riêng về mua sắm chính phủ và cũng không phải là một bên của Hiệp định mua sắm chính phủ đa phương 1994 (GPA).

Trong chiến lược “Châu Âu Toàn cầu” của mình, EU đã xác định mua sắm chính phủ là một chính sách quan trọng giúp các công ty EC cạnh tranh tốt hơn trên thị trường quốc tế. Trong bối cảnh đàm phán FTA, có thể có hai động lực giải thích tham vọng của EC khi muốn đưa chương về mua sắm chính phủ vào trong hiệp định. Thứ nhất, và quan trọng nhất, các Hiệp định Đối tác Kinh tế (EPA) cho phép EC có khả năng tiếp cận tốt hơn thị trường mua sắm công của các đối tác FTA. Thứ hai, các EPA cung cấp một nền tảng để thúc đẩy những lợi ích kinh tế tiềm năng đối với đối tác FTA bằng cách cải thiện môi trường kinh doanh, giúp các nước này chống lại tham nhũng, nâng cao cơ chế thực thi nội địa và thủ tục hành chính và giúp chính phủ định giá tốt hơn trong các giao dịch mua sắm, thúc đẩy hình thành các công ty có khả năng thầu ở thị trường khác.  

Cạnh tranh

Trong rất nhiều FTA của EU, có một chương về cạnh tranh, và chương này đã được khá nhiều các đối tác FTA gần đây của EU đưa vào hệ thống pháp luật của mình. Trong chương cạnh tranh, các bên thống nhất cấm và trừng phạt những hành vi và giao dịch liên quan đến hàng hóa, dịch vụ bóp méo cạnh tranh và thương mại giữa hai bên. Điều này có nghĩa là những hành vi phi cạnh tranh như cartels hay lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường và các vụ sáp nhập phản cạnh tranh sẽ không được tha thứ bởi các bên và sẽ phải chịu các hình thức xử phạt do gây hại cho người tiêu dùng và làm giá tăng cao.

Để đảm bảo thi hành hiệu quả, các bên thống nhất duy trì hệ thống luật cạnh tranh hiệu quả và một cơ quan cạnh tranh được trang bị đầy đủ chịu trách nhiệm giải quyết các hành vi phi cạnh tranh đó. Cả hai bên đều nhận thức tầm quan trọng của việc phải tôn trọng các thủ tục điều tra cần thiết trong quá trình áp dụng luật cạnh tranh này. Hiệp định cũng quy định rằng luật cạnh tranh phải được áp dụng cho cả các doanh nghiệp nhà nước và không phân biệt đối xử đối với các công ty độc quyền. Điều này đảm bảo cho các công ty của hai bên có cơ hội công bằng tiếp cận thị trường của nhau. Bên cạnh đó, các hiệp định cũng có các quy định về các nguyên tắc cơ bản trong tư vấn và hợp tác giữa các bên.

Trong FTA giữa EU và Hàn Quốc có một mục về trợ cấp trong đó quy định các bên thống nhất xử lý hay loại bỏ các hành vi bóp méo cạnh tranh do trợ cấp gây ra làm ảnh hưởng đến thương mại quốc tế. Mục này đặc biệt có ý nghĩa với những điều khoản cấm một số loại trợ cấp mang tính bóp méo cạnh tranh. Đó là:

a) Trợ cấp cho các khoản nợ hoặc trách nhiệm tài sản của một doanh nghiệp mà không có bất kỳ hạn chế nào (về pháp luật và thực tế) về hạn mức hay thời hạn;

b) Các trợ cấp cho các công ty yếu kém mà không kèm theo kế hoạch tái cơ cấu hợp lý dựa trên những giả định thực tế cho phép bên tiếp nhận trở lại tình trạng tốt mà không cần dựa vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Việc tái cấu trúc này phải được thực hiện trong một thời gian hợp lý và doanh nghiệp phải có đóng góp đáng kể vào chi phí tái cơ cấu.

Mục này cũng bao gồm các điều khoản về tính minh bạch, theo đó các Bên hàng năm phải báo cáo tổng số tiền, loại và phân loại trợ cấp theo ngành. Hơn nữa, các Bên phải cung cấp thêm thông tin về chương trình trợ cấp hay trợ cấp theo yêu cầu.

Hiệp định cũng có một điều khoản quy định về thời gian nhóm họp về dịch vụ: 3 năm sau khi hiệp định có hiệu lực các bên sẽ nhóm họp để thảo luận xem có nên áp dụng mục này cho ngành dịch vụ hay không . Cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, mục này là đối tượng của cơ chế giải quyết tranh chấp.

Nội dung của bản chào về hợp tác trong vấn đề cạnh tranh đa số là tự nguyện về bản chất. Tuy nhiên, cũng có những quy tắc cần tuân theo khi hợp tác trên thực tế. Một trong những quy tắc đó là yêu cầu các cơ quan cạnh tranh phải thông báo cho các cơ quan cạnh tranh khác về quá trình thực thi các chế tài đối với các hành vi kinh doanh phi cạnh tranh thuộc phạm vi của chương này và đang diễn ra tại lãnh thổ của nước đối tác.

Quyền sở hữu trí tuệ

Bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ rất quan trọng đối với sức cạnh tranh của doanh nghiệp châu Âu. Để giữ tiêu chuẩn bảo hộ áp dụng ở châu Âu, các FTA của EU bao gồm một chương về sở hữu trí tuệ, trong đó cấu trúc pháp lý thay đổi tùy từng đối tác. Chương sở hữu trí tuệ tham vọng nhất được quy định trong FTA giữa EU với Hàn Quốc và chương này bao gồm cả những điều khoản về bản quyền, thiết kế và chỉ dẫn địa lý (GIs), phần thường được coi là bổ sung và cập nhật cho Hiệp định TRIPS. Chương này cũng có một mục về thi hành các quyền sở hữu trí tuệ dựa trên các quy tắc nội bộ của EU về hướng dẫn thi hành.

Đối với vấn đề bản quyền, các điều khoản có nội dung gần với thông lệ quốc tế mới nhất về vấn đề này. Phần này của chương cũng gồm các điều khoản nhằm tạo thuận lợi cho những chủ thể quyền EU được hưởng những khoản lợi hợp lý cho việc sử dụng âm nhạc hay các tác phẩm nghệ thuật của họ. Gần đây, thiết kế cũng trở thành quyền sở hữu trí tuệ quan trọng về mặt kinh tế. Vì thế chương này cũng có những điều khoản lấp chỗ trống của TRIPS liên quan đến thiết kế gồm các điều khoản về các thiết kế chưa được đăng ký.

Rượu, cồn pho mát, giăm bông EU là các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu của EU. FTA đưa ra mức bảo hộ cao đối với các chỉ dẫn địa lý của EU có tầm quan trọng về mặt kinh tế như:

– Rượu sâm panh, whisk(e)y , Grappa, Ouzo, Polska Wódka của Scotland hay Ailen

– Prosciutto di ParmaSzegedi szalámi hayJambon de Bayonne

– Pho mát Manchego hay Parmigiano Reggiano

– Rượu R inho Verde hay Tokaji cũng như rượu từ the Bordeaux và Rioja và nhiều vùng khác như vùng nho

Murfatlar

– Bayerisches Bier or České pivo

Khoảng 160 chỉ dẫn địa lý lớn của EU sẽ được bảo hộ trực tiếp ngay khi hiệp định có hiệu lực. Tất cả các chỉ dẫn địa lý nông nghiệp và không chỉ những chỉ dẫn địa lý liên quan đến rượu sẽ có cùng mức bảo hộ. Cả hai bên cam kết bảo hộ các chỉ dẫn địa lý bổ sung thông qua một quá trình được quy định rõ trong hiệp định.

FTA cũng sẽ bảo hộ các chỉ dẫn địa lý từ Hàn Quốc. Điều này sẽ giúp người tiêu dùng EU cảm thấy rõ ràng ví dụ như khi mua trà xanh Boseong, họ sẽ biết đây là sản phẩm chính xác từ Hàn Quốc.

Thương mại và Phát triển bền vững

Các FTA của EU có các điều khoản nhằm thiết lập những cam kết chung và một khung hợp tác về thương mại và phát triển bền vững. Các Hiệp định này tạo nên một nền tảng mới cho thương mại và phát triển bền vững, cho phép đối thoại cởi mở và cam kết liên tục giữa EU và các quốc gia đối tác trong lĩnh vực môi trường và lao động.

Chương về thương mại và phát triển bền vững gồm các cam kết của cả hai bên về các tiêu chuẩn lao động và môi trường. Hiệp định cũng thiết lập các thiết chế để giám sát và thực thi cam kết giữa các bên thông qua sự tham gia của các xã hội dân sự.

Các nội dung chính của Chương về Thương mại và Phát triển bền vững gồm:

·                     Về lao động, cam kết chung áp dụng các tiêu chuẩn lao động chính của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và bám sát chương trình nghị sự phù hợp của ILO, bao gồm cam kết thông qua và thực thi hiệu quả tất cả các công ước đã đạt được tính tới thời điểm hiện tại của ILO (chứ không chỉ dừng lại ở các công ước liên quan đến tiêu chuẩn lao động chính).

·                     Về môi trường, có cam kết nhằm thực thi hiệu quả tất cả các hiệp định môi trường đa phương mà các nước này là một bên trong hiệp định đó.

·                     Khẳng định quyền của các bên được chủ động quy định trong nội địa nhưng vẫn đảm bảo mức độ bảo vệ cao về mối trường và lao động, và một cam kết không miễn trừ hay điều chỉnh các tiêu chuẩn đó theo cách có thể làm phương hại đến thương mại và đầu tư giữa các bên.

·                     Các cơ chế giám sát mạnh mẽ, được xây dựng dựa trên sự giám sát của cộng đồng thông qua sự tham gia của xã hội dân sự tại cả quốc gia đối tác và EU. Mỗi bên sẽ thành lập nhóm tư vấn xã hội dân sự, gồm đại diện của các doanh nghiệp, các tổ chức môi trường và lao động. Hai nhóm sẽ nhóm họp hàng năm trong một diễn đàn xã hội dân sự để thảo luận về việc thi hành các khía cạnh phát triển bền vững. Các hoạt động hợp tác và giám sát thực hiện cam kết sẽ được thực hiện bởi Ủy ban về Thương mại và Phát triển bền vững.

·                     Cơ chế để giải quyết những khác biệt thông qua một Hội đồng độc lập gồm các chuyên gia. Các khuyến nghị của Hội đồng chuyên gia sẽ được giám sát bởi Ủy ban về Thương mại và Phát triển bền vững. Hội đồng chuyên gia sẽ xin ý kiến của Nhóm tư vấn nội địa và các tổ chức quốc tế có uy tín như ILO hay các tổ chức môi trường đa phương có liên quan. Báo cáo của hội đồng sẽ được công bố công khai cho nhóm tư vấn nội địa.

Tính minh bạch

Vì môi trường pháp lý nội địa có ảnh hưởng đên thương mại, các FTA của EU cũng có một chương đưa ra tiêu chí cần phải tuân thủ nhằm đảm bảo một môi trường pháp lý hiệu quả và có thể dự đoán được cho các chủ thế kinh tế đặc biệt là những chủ thể nhỏ. Thiếu tính minh bạch trong môi trường pháp lý thường là mối quan ngại của nhiều công ty châu Âu khi kinh doanh ở các quốc gia khác. Vì thế, các FTAs của EU rất cần có cam kết minh bạch mạnh mẽ áp dụng cho tất cả các quy định có tác động đến các vấn đề được đề cập trong FTA.

Cụ thể, Chương này quy định:

− Cam kết cho phép các đối tương quan tâm được bình luận về dự thảo các biện pháp luật lệ mới.

− Hình thành điểm hỏi đáp và liên lạc để trả lời các câu hỏi phát sinh từ việc áp dụng các luật lệ hay để giải quyết các vấn đề từ những luật đó.

− Các yêu cầu về thủ tục phải tuân thủ trong thủ tục hành chính bao gồm rà soát hay kháng kiện các hành vi hành chính liên quan đến các lĩnh vực đề cập trong FTA.

Giải quyết tranh chấp

Trong hầu hết các FTA có hiệu lực, luôn có một chương về giải quyết tranh chấp. Trong các FTA của EU, cơ chế giải quyết tranh chấp dựa trên mô hình Cơ chế giải quyết tranh chấp của EU, nhưng các thủ tục nhanh hơn nhiều.

Bước đầu tiên trong quy trình giải quyết tranh chấp là tham vấn giữa hai bên với mục đích tìm ra giải pháp. Nếu các bên không tìm thấy tiếng nói chung, tranh chấp được đưa tới một Ban Hội thẩm trọng tài. Ban Hội thẩm gồm ba chuyên gia do các bên lựa chọn hoặc được chọn bằng hình thức bỏ phiếu từ một danh sách đã thỏa thuận trước. Ban Hội thẩm sẽ nhận đơn từ các bên và sẽ tổ chức phiên điều trần công khai. Các cá nhân hoặc các công ty quan tâm được phép thông báo cho Ban Hội thẩm quan điểm của họ bằng cách gửi các lập luận viết. Phán quyết của Ban Hội thẩm, trong vòng 120 ngày kể từ khi Ban này được thành lập sẽ có giá trị ràng buộc đối với các bên. Sau khi có phán quyết, bên nào vi phạm FTA sẽ có thời hạn hợp lý để thực thi tuân thủ theo FTA. Thời hạn này được thỏa thuận giữa các bên hoặc được quyết định bởi một trọng tài.

Kết thúc thời hạn thực thi, bên nào bị phát hiện vi phạm hiệp định sẽ phải xử lý tình hình. Nếu bên nguyên đơn cho rằng bên bị đơn vẫn tiếp tục vi phạm FTA, bên này có thể đưa vấn đề này lên Ban Hội thẩm. Nếu Ban Hội thẩm khẳng định rằng bị đơn vẫn tiếp tục vi phạm FTA, nguyên đơn có quyền áp dụng các biện pháp trừng phạt. Các thời hạn cho tố tụng trọng tài sẽ được rút ngắn trong các trường hợp khẩn cấp. Các FTA cũng có một điều khoản về cơ chế hòa giải mà các bên có thể sử dụng để giải quyết các vấn đề tiếp cận thị trường do các biện pháp phi thuế quan gây ra. Mục đích của cơ chế này không phải là để rà soát tính pháp lý của một biện pháp mà để tìm ra giải pháp nhanh và hiệu quả cho vấn đề tiếp cận thị trường.

Theo cơ chế hòa giải, các bên sẽ được hỗ trợ bởi một hòa giải viên mà cả hai bên cùng đồng ý hay được lựa chọn bằng hình thức bỏ phiếu từ một danh sách đã được thỏa thuận trước. Hòa giải viên sẽ gặp các bên và đưa ra ý kiến tư vấn và đề xuất trong thời gian 60 ngày kể từ ngày nhận nhiệm vụ. Ý kiến và đề xuất của hòa giải viên không mang tính ràng buộc, các bên được tự do chấp nhận, hay sử dụng như là cơ swor cho một giải pháp.

Cơ chế hòa giải không loại trừ khả năng phải dùng đến giải quyết tranh chấp trong hoặc sau khi hòa giải.

Tin cùng chuyên mục