Các quy định mới về quy tắc xuất xứ hàng hóa trong UKVFTA

Với lô hàng xuất khẩu của Việt Nam có trị giá dưới 6.000 euro, bất kỳ nhà xuất khẩu nào cũng được phép tự chứng nhận xuất xứ. Lô hàng có trị giá trên 6.000 euro, áp dụng cơ chế C/O do cơ quan, tổ chức được Bộ Công Thương ủy quyền cấp...
Chú thích ảnh
Thông tư 02/2021/TT-BCT quy định quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA)

Bộ Công Thương vừa ban hành Thông tư 02/2021/TT-BCT quy định quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA). Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 26/7/2021.

Theo đó, hàng hoá có xuất xứ đang ở nước thành viên hoặc trong quá trình vận chuyển, lưu kho tạm thời, trong kho ngoại quan hoặc trong khu phi thuế quan kể từ ngày 01/01/2021 sẽ được hưởng ưu đãi thuế quan theo UKVFTA khi đáp ứng quy định tại Thông tư này và có chứng từ chứng nhận xuất xứ phát hành sau được nộp cho cơ quan hải quan nước thành viên nhập khẩu.

Cơ chế chứng nhận xuất xứ trong UKVFTA được triển khai được quy định cụ thể. Đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam: với lô hàng có trị giá dưới 6.000 euro, bất kỳ nhà xuất khẩu nào cũng được phép tự chứng nhận xuất xứ. Với lô hàng có trị giá trên 6.000 euro, áp dụng cơ chế C/O do cơ quan, tổ chức được Bộ Công Thương ủy quyền cấp.

Đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam: với lô hàng có trị giá dưới 6.000 euro, bất kỳ nhà xuất khẩu nào cũng được phép tự chứng nhận xuất xứ. Với lô hàng có trị giá trên 6.000 euro, chỉ có nhà xuất khẩu đủ điều kiện theo quy định của UK mới được tự chứng nhận xuất xứ.

Đáng lưu ý, Thông tư quy định, việc kiểm tra, xác minh chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hoá được thực hiện xác suất hoặc khi cơ quan có thẩm của nước thành viên nhập khẩu có nghi ngờ hợp lý về tính xác thực của chứng từ, về xuất xứ của hàng hoá hoặc việc tuân thủ quy định khác của UKVFTA.

Cơ quan có thẩm quyền của nước thành viên nhập khẩu gửi lại C/O, hoá đơn đã được nộp hoặc chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hay bản sao của các chứng từ này cho cơ quan có thẩm quyền của nước thành viên xuất khẩu và đưa ra lý do đề nghị kiểm tra, xác minh phù hợp.

Các chứng từ và thông tin cho thấy sự sai lệch, không chính xác về thông tin thể hiện trên chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hoá được gửi kèm theo đề nghị kiểm tra, xác minh. Cơ quan có thẩm quyền hoặc cơ quan hải quan của nước xuất khẩu thông báo cho cơ quan có thẩm quyền của nước nhập khẩu về việc nhận được đề nghị kiểm tra, xác minh chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hoá. Việc thông báo này có thể thực hiện dưới bất kỳ hình thức nào, bao gồm cả hình thức điện tử.  

Trong trường hợp, cơ quan có thẩm quyền của nước thành viên nhập khẩu quyết định tạm dừng ưu đãi thuế quan theo UKVFTA đối với lô hàng trong thời gian chờ kết quả kiểm tra, xác minh, việc thông quan hàng hoá cho nhà nhập khẩu được thực hiện và có xét đến các biện pháp phòng ngừa cần thiết.

Quyết định tạm dừng ưu đãi thuế quan theo UKVFTA phải được thu hồi ngay sau khi cơ quan có thẩm quyền của nước thành viên nhập khẩu xác định hàng hoá có xuất xứ hoặc tuân thủ các quy định khác của Thông tư này… Kết quả kiểm tra, xác minh phải được thông báo sớm nhất trong thời gian có thể.

Nguyễn Hà

Tin cùng chuyên mục