Quan hệ thương mại Việt Nam - Nhật Bản trong bối cảnh hình thành TPP

Sau hơn 30 năm thực hiện chính sách đổi mới và mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế là một trong những chiến lược ưu tiên hàng đầu của Việt Nam, cùng với cải cách thể chế, tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững.

Quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam bắt đầu từ năm 1995, khi tham gia chính thức vào ASEAN và tham gia vào các hiệp định thương mại tự do (FTAs) giữa ASEAN với các đối tác ngoài khối. Những cam kết trong các FTAs này dựa trên sự đồng thuận của tất cả các thành viên ASEAN nên mức độ cam kết thường không cao. Đến giai đoạn hiện nay, Việt Nam đã chủ động trong việc tham gia đàm phán ký kết các hiệp định thương mại song phương có mức độ cam kết sâu, phạm vi rộng, nội dung vượt ra ngoài cam kết thông thường về thương mại, dịch vụ và đầu tư mà còn bao gồm cả các vấn đề về thể chế, pháp lý, môi trường, lao động, doanh nghiệp nhà nước, sở hữu trí tuệ, mua sắm chính phủ. 

Bên cạnh những tiền đề trong mối quan hệ song phương, đặt trong bối cảnh chung của quá trình hình thành TPP - Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới của các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó Việt Nam và Nhật Bản được đánh giá là hai điểm sáng, TPP sẽ đem đến rất nhiều những cơ hội và thách thức cho quan hệ thương mại giữa Việt Nam - Nhật Bản. Trước tiên, đánh giá về tỉ trọng thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản so với các đối tác khác. Quan hệ thương mại Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn 1990 – 2014 Trong những năm 1990, Nhật Bản và Hoa Kỳ là hai đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam, thị phần xuất khẩu của Việt Nam đến hai thị trường này chiếm hơn 75% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam. Kể từ sau năm 2002, sau khi Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA) được ký kết, thị phần xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản giảm xuống mức 20%, tương ứng thị phần Hoa Kỳ tăng lên nhanh chóng và Hoa Kỳ trở thành thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam. Ngay cả khi Hiệp định Đối tác Kinh tế VJEPA được ký kết và bắt đầu có hiệu lực năm 2008, giá trị xuất khẩu của Việt Nam tăng từ 8,4 tỷ USD năm 2008 lên 14,7 tỷ USD năm 2014, gần gấp 2 lần; nhưng tốc độ tăng trưởng xuất khẩu có dấu hiệu chậm lại (4,33% năm 2013; 7,87% năm 2014). Tuy vậy, xét trong tổng thể chung, Nhật Bản vẫn giữ vị trí đối tác xuất khẩu lớn thứ hai sau Hoa Kỳ.

Xét về hoạt động nhập khẩu, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Malaysia và Singapore là 4 đối tác nhập khẩu chính của Việt Nam. Trong đó giá trị nhập khẩu từ Nhật Bản đạt mức cao nhất trong các nước TPP (chiếm 32-38,2% trong tổng kim ngạch nhập khẩu từ các nước TPP từ năm 2008-2014). Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Nhật Bản tăng từ 2,3 tỷ USD lên 12,7 tỷ USD (gấp hơn 5 lần, với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 16,19%), đặc biệt là năm 2007 (đạt 31,6%) và năm 2008 (đạt 33,1%). Tuy nhiên, thị phần nhập khẩu từ các nước thành viên TPP so với tổng giá trị nhập khẩu của Việt Nam có xu hướng giảm dần qua các năm (từ 39,9% năm 2000, 30% năm 2009 và chỉ còn 23% năm 2014). Nguyên nhân chính của xu hướng này là sự phụ thuộc lớn vào hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Năm 2014, giá trị nhập khẩu từ Trung Quốc ước tính 43,9 tỷ USD, chiếm 29,6% tổng giá trị nhập khẩu, vượt qua tổng giá trị nhập khẩu của cả khu vực TPP.

Tổng thể chung, hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nhật Bản có xu hướng gia tăng tích cực và chiếm tỉ trọng lớn trong khối các nước thành viên của TPP. Kể từ năm 2008 đến nay, mức gia tăng của giá trị xuất khẩu nhanh hơn nhập khẩu do vậy cán cân thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản luôn đạt ở trạng thái thặng dư. Mức thặng dư có xu hướng tăng lên từ 691 triệu USD (2011) tăng gấp đôi lên 2004 triệu USD (năm 2014).  

Cơ cấu hàng hóa của Nhật Bản và Việt Nam mang tính bổ sung, không cạnh tranh. Nhật Bản là nước nhập siêu lớn về thủy sản, mặt hàng công nghiệp tiêu dùng như dệt may, giày da, thực phẩm chế biến trong khi Việt Nam lại là nước có lợi thế cạnh tranh tuyệt đối về các sản phẩm này. Ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Nhật Bản máy móc, thiết bị, công nghệ và nguyên liệu cho sản xuất. Trong cam kết của VJEPA, các sản phẩm công nghiệp được cam kết giảm thuế từ 6,51% năm 2008 xuống còn 0,4% năm 2019, dệt may xuất khẩu sang Nhật Bản hưởng thuế 0% (giảm từ mức 7%) từ năm 2009. Sản phẩm da giày cũng hưởng thuế 0% trong 5 - 10 năm. Lĩnh vực đem lại lợi ích xuất khẩu lớn nhất cho Việt Nam từ việc thực hiện VJEPA là thủy sản. Nhật Bản sẽ giảm thuế suất đối với hàng thủy sản của Việt Nam từ mức bình quân 5,4% năm 2008 xuống còn 1,31% năm 2019. Vì Nhật Bản là thị trường xuất khẩu thủy sản hàng đầu của Việt Nam nên cam kết này thực sự có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu. Với việc thực hiện VJEPA, Việt Nam chính thức tham gia chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa, dịch vụ trong khu vực ASEAN với Nhật Bản.

Đánh giá về cơ hội và thách thức trong mối quan hệ thương mại Việt Nam - Nhật Bản trong bối cảnh gia nhập TPP, chuyên gia Nguyễn Bích Ngọc (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng: về cơ hội, với cam kết xóa bỏ toàn bộ thuế nhập khẩu ngay khi TPP có hiệu lực trừ nhóm các mặt hàng có lộ trình 3, 5, 10 năm, tất cả các nước thành viên đều kỳ vọng vào việc thúc đẩy xuất khẩu làm động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Nếu hàng hóa xuất khẩu Việt Nam đáp ứng đầy đủ điều kiện xuất xứ trong TPP để hưởng mức ưu đãi 0%, tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam đến các nước thành viên TPP sẽ tăng dự kiến 28,4% tương đương 67,9 tỷ USD, đặc biệt là nhóm mặt hàng dệt may, da giầy tăng thêm 45,9% (theo nghiên cứu của Petri). Trong đó, giá trị xuất khẩu của Việt Nam và hai thị trường lớn Hoa Kỳ và Nhật Bản sẽ càng tăng mạnh trong các ngành như dệt may, da giầy, thủy hải sản.

Cùng với đó, Nhật Bản có vai trò quan trọng trong việc đa dạng hóa cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam theo hướng chế tạo xuất khẩu, giảm xuất khẩu nguyên liệu thô và tăng sản phẩm chế tạo có giá trị cao hơn. Tham gia TPP là cơ hội tốt nhất để Việt Nam - Nhật Bản xây dựng chuỗi cung ứng đối với các sản phẩm công nghệ cao, sản phẩm công nghiệp là thế mạnh của Nhật Bản, từ đó gia nhập vào chuỗi cung ứng của khu vực và toàn thế giới. Cụ thể, Nhật Bản và Việt Nam đã triển khai thực hiện chiến lược công nghiệp hóa nhằm tăng cường năng lực sản xuất của 4 ngành công nghiệp chủ lực có giá trị gia tăng cao và năng lực cạnh tranh quốc tế (máy nông nghiệp, công nghiệp môi trường và tiết kiệm năng lượng, công nghiệp điện tử và công nghiệp chế biến nông thủy sản). Bên cạnh đó, tạo động lực và sức ép cho doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sản xuất theo hướng giảm thuế xuất khẩu nguyên liệu và sơ chế, đầu tư phát triển trên chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng, tăng sản phẩm chế biến có giá trị cao. Qua quá trình hỗ trợ Việt Nam đổi mới công nghệ, tăng trưởng năng suất, các doanh nghiệp FDI Nhật Bản cũng được hưởng lợi trực tiếp bằng việc tăng tỉ lệ nội địa hóa nguyên liệu khi sản xuất tại Việt Nam. Hiện nay, tỉ lệ nội địa hóa nguyên liệu linh kiện của Việt Nam là 27,9%, thấp hơn nhiều so với bình quân chung của khu vực ASEAN là 47,8%.

Ngoài ra, với những cam kết mở cửa thị trường mạnh hơn, cao hơn so với những cam kết hiện có trong khu vực, Hiệp định TPP buộc Nhật Bản phải chấp nhận cắt giảm thuế quan đối với các sản phẩm nông sản - một mặt hàng có lợi thế xuất khẩu của Việt Nam. So với VJEPA, Nhật Bản đã đồng ý xóa bỏ thuế quan đối với 78% kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam. Đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam thúc đẩy và khai thác tối đa thị trường Nhật Bản. Thương mại dịch vụ cũng sẽ tăng nhanh hơn hoạt động sản xuất nhờ vào cấu trúc cam kết cởi mở với các nhóm ngành dịch vụ trong TPP, thậm chí cao hơn đối với các cam kết về dịch vụ trong WTO. Cam kết trong TPP về dịch vụ và đầu tư sẽ có tác dụng tích cực cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam từ đó tạo cơ sở thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài từ các nước thành viên TPP nói chung và Nhật Bản nói riêng. Đặc biệt, nguồn vốn FDI sẽ gia tăng mạnh mẽ trong các lĩnh vực như tài chính - ngân hàng, bất động sản. Ngược lại, Việt Nam cũng có điều kiện vươn ra một số thị trường TPP trong lĩnh vực dịch vụ.

Với quan hệ kinh tế chính trị chặt chẽ giữa Việt Nam - Nhật Bản, đồng thời quan hệ FTA với Hoa Kỳ thông qua TPP và tiến đến FTA Việt Nam – Liên minh châu Âu, Liên minh kinh tế Á Âu sẽ giúp Việt Nam có cơ hội cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu theo hướng cân bằng hơn.  

Cũng theo bà Nguyễn Bích Ngọc, bên cạnh những kỳ vọng thúc đẩy tăng trưởng giá trị xuất khẩu nông sản vào thị trường Nhật Bản trong thời gian tới thì những yêu cầu khắt khe về an toàn vệ sinh, kiểm dịch sản phẩm, chất lượng sản phẩm, cũng như các rào cản phi thuế quan khác sẽ là những thách thức đặt ra cho doanh nghiệp Việt Nam trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm xuất khẩu; tăng nhanh tỷ lệ nội địa hóa nguyên phụ liệu của ngành và giảm thiểu phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài; tăng cường đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ; đầu tư vào các vùng trồng cây nguyên liệu; phát triển mối quan hệ hợp tác với các nhà sản xuất nước ngoài có công nghệ tiên tiến; quan tâm đào tạo nguồn lực đáp ứng nhu cầu phát triển thị trường; xây dựng chiến lược phát triển liên kết nội khối tạo chuỗi sản xuất lớn để có khả năng nhận những đơn hàng lớn. Đây chính là những thách thức không nhỏ.

Mặc dù mức độ cam kết giữa Việt Nam và Nhật Bản đã cải thiện và giảm thêm 38% mức thuế quan nhưng gạo vẫn là một mặt hàng loại trừ khỏi bàn đàm phán, bởi vậy, phần lớn gạo của Việt Nam được xuất khẩu đến các nước không tham gia TPP như Indonesia, Philipines và Trung Quốc, so với mức xuất khẩu rất khiêm tốn đến Mỹ và Nhật Bản. Tương tự ngành cao su và cà phê cũng là hai ngành hàng xuất khẩu nông nghiệp có ít tiềm năng phát triển thông qua TPP.

Mức độ cạnh tranh trở nên chồng chéo và gay gắt, cạnh tranh giữa các doanh nghiệp FDI từ Nhật Bản với các nước thành viên TPP, cạnh tranh giữa các doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, với lợi thế từ mối liên kết chặt chẽ được xây dựng trong nhiều năm giữa Việt Nam và Nhật Bản và thế mạnh về vốn, công nghệ và chuỗi cung ứng trên phạm vi toàn cầu, các doanh nghiệp FDI Nhật Bản với sự trợ giúp hiệu quả của JETRO thông qua quá trình cập nhật thông tin đã kịp thời mở rộng sản xuất trên địa bàn cả nước để đón đầu sự kiện TPP hình thành. Ngược lại, doanh nghiệp Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong việc chủ động tìm kiếm cơ hội, thường chủ yếu gia công cho các doanh nghiệp FDI.

Trước những thách thức trên, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động nghiên cứu và có giải pháp ứng phó với các rào cản phi thuế quan mà Nhật Bản cũng như các nước thành viên TPP sau khi TPP đạt mục tiêu cắt giảm thuế quan hoàn toàn. Đồng thời, các vấn đề nội tại bên trong cũng cần nhanh chóng được giải quyết như phát triển ngành công nghiệp phụ trợ hướng đến tăng tỉ lệ nội địa hóa, xây dựng môi trường đầu tư hấp dẫn với tính cạnh tranh bình đẳng đối với doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, công nghiệp hóa và thúc đẩy đổi mới công nghệ đối với các nhóm ngành xuất khẩu chủ lực. Có như vậy, mô hình quan hệ thương mại Việt - Nhật mới thực sự là một phần quan trọng trong chiến lược hội nhập toàn diện giữa hai nước trong tiến trình hội nhập khu vực châu Á.

Tin cùng chuyên mục