Kiểm tra trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU trước 20/10

(vasep.com.vn) Ngày 26/9/2022, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo 302/TB-VPCP về kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại cuộc họp lần thứ 6 Ban chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Chú thích ảnh

Để giải quyết các tồn tại, hạn chế trên nhằm sớm gỡ cảnh báo “Thẻ vàng”, đồng thời để đảm bảo chuẩn bị tốt cho việc tiếp, làm việc với Đoàn thanh tra của EC trong tháng 10 tới, Phó Thủ tướng yêu cầu cần tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ trước mắt, các giải pháp trọng tâm, lâu dài, mở đợt cao điểm kiểm tra.

Xử lý dứt điểm các tồn tại về cấp Giấy phép khai thác thủy sản

Về nhiệm vụ trước mắt, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển trước ngày 20/10/2022 khẩn trương:

Ban hành văn bản chỉ đạo, trong đó giao nhiệm vụ cho cấp cơ sở, các ngành, lực lượng chức năng có liên quan khẩn trương rà soát, khắc phục các tồn tại, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU tại địa phương; quản lý chặt chẽ tàu cá hoạt động trên biển; đảm bảo truy xuất được nguồn gốc; thực thi pháp luật, xử lý nghiêm các vi phạm quy định về chống khai thác IUU.

Tổ chức các Đoàn công tác do lãnh đạo tỉnh trực tiếp chỉ đạo đi kiểm tra trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU; trong đó rà soát, xử lý dứt điểm các tồn tại về cấp Giấy phép khai thác thủy sản, kiểm soát tàu cá ra vào cảng, lắp đặt thiết bị VMS, các vụ việc vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài… đảm bảo chuẩn bị đầy đủ các hồ sơ theo dõi, kiểm soát, điều tra, xử lý từng vụ việc theo quy định.

Tổ chức các Đoàn công tác liên ngành đi kiểm tra tại một số địa phương

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức các Đoàn công tác liên ngành (Bộ Quốc phòng, Bộ Công an) đi kiểm tra tại một số địa phương, đặc biệt là tại các tỉnh có tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, các tỉnh có nguy cơ cao Đoàn thanh tra của EC sẽ kiểm tra thực tế để đôn đốc, hướng dẫn các nội dung cần chuẩn bị để tiếp và làm việc với Đoàn thanh tra của EC.

Khẩn trương xây dựng báo cáo tiến độ, kịch bản, kế hoạch để tiếp và làm việc với Đoàn thanh tra của EC đảm bảo giảm thiểu xảy ra các tình huống bị động ảnh hưởng đến kết quả làm việc với Đoàn thanh tra của EC.

Bộ Quốc phòng chỉ đạo các lực lượng chức năng thực thi pháp luật trên biển (Hải quân, Biên phòng, Cảnh sát biển, Kiểm ngư) trong các tháng 9, 10/2022 tiếp tục mở đợt cao điểm tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tại các vùng biển trọng điểm để ngăn chặn, xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm quy định về chống khai thác IUU; đặc biệt kiên quyết, xử phạt nghiêm hành vi vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.

Tập trung kiện toàn lực lượng Kiểm ngư

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục rà soát, kịp thời sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật về thủy sản nói chung, chống khai thác IUU nói riêng; tiếp tục tăng cường công tác quản lý tàu cá theo hướng giảm dần số lượng tàu, cường lực khai thác tương ứng với ngư trường, nguồn lợi thủy sản.

Bên cạnh đó, tập trung kiện toàn lực lượng Kiểm ngư, ưu tiên bố trí kinh phí cho công tác Kiểm ngư, tăng cường thực thi pháp luật, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về thủy sản trên các vùng biển; khẩn trương rà soát, nâng cấp, bổ sung, hoàn thiện hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về nghề cá, về hoạt động khai thác hải sản.

Xử lý dứt điểm các đối tượng tổ chức đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài

Bộ Công an điều tra, xử lý dứt điểm các hành vi, các đối tượng tổ chức môi giới, móc nối, tổ chức đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; theo dõi, quản lý chặt chẽ các ngư dân, tàu cá đã thực hiện, tham gia khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.

Bộ Ngoại giao chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại các nước có liên quan kịp thời nắm bắt, thu thập thông tin, hồ sơ chứng cứ lực lượng chức năng nước Sở tại bắt giữ, xử lý tàu cá, ngư dân Việt Nam do vi phạm khai thác bất hợp pháp để cung cấp và cập nhật thông tin kịp thời cho lực lượng chức năng trong nước điều tra, xác minh, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm;

Bộ Kế hoạch và Đầu tư ưu tiên bố trí, phân bổ đủ nguồn vốn cho các Ban, Bộ, Ngành Trung ương có liên quan và địa phương để đầu tư, nâng cấp hệ thống hạ tầng nghề cá, các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão. Bộ Tài chính ưu tiên bố trí đủ kinh phí cho các Ban, Bộ, Ngành Trung ương có liên quan và địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung, chương trình, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU.

Ngăn chặn, chấm dứt tình trạng vi phạm quy định về chống khai thác IUU trên địa bàn

Ủy ban nhân dân 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển tập trung nguồn lực triển khai đồng bộ các giải pháp để ngăn chặn, chấm dứt tình trạng vi phạm quy định về chống khai thác IUU trên địa bàn.

Bên cạnh đó, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền xã/phường/thị trấn bám sát, nắm vững địa bàn quản lý; tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ pháp luật, có kế hoạch theo dõi, quản lý chặt chẽ các đối tượng, nắm chắc địa bàn để phát hiện, ngăn chặn kịp thời các tàu cá đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.

Chỉ đạo khẩn trương rà soát, quản lý, kiểm soát chặt đội tàu cá của địa phương theo quy định. Thực hiện nghiêm túc hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản; hoàn thành việc cấp Giấy phép khai thác thủy sản, đăng ký, đăng kiểm, đánh dấu tàu cá, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá theo quy định.

Ưu tiên bố trí đủ nguồn lực (nhân lực, kinh phí, trang thiết bị), nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá tại cảng cá; thực hiện nghiêm túc, đúng quy định việc kiểm soát tàu cá ra vào cảng, giám sát sản lượng thủy sản từ khai thác, truy xuất nguồn gốc thủy sản.

Trước đó, tháng 10/2017, EC đã đã cảnh báo "thẻ vàng" đối với sản phẩm hải sản khai thác của Việt Nam xuất khẩu vào châu Âu vì chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không tuân thủ quy định (IUU).

Đến tháng 5/2018 và tháng 11/2019, hai đoàn công tác của EC đã sang Việt Nam để làm việc, kiểm tra về tình hình triển khai các biện pháp khắc phục vấn đề IUU, dù đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong ngăn chặn khai thác IUU, nhưng đến nay EC vẫn chưa gỡ “thẻ vàng” cho hải sản Việt Nam.

Từ 2011 – 2021, XK thuỷ sản của Việt Nam tăng từ 6 tỷ USD lên gần 9 tỷ USD. Trong đó, XK sang EU đóng góp 1 – 1,4 tỷ USD mỗi năm, chiếm 15 -17% kim ngạch XK thuỷ sản đi các thị trường.

Tỷ trọng XK các sản phẩm hải sản khai thác của EU trong tổng XK hải sản khai thác của Việt Nam chiếm từ 10%-16% qua các năm. XK hải sản khai thác của Việt Nam sang EU giảm từ 415 triệu USD năm 2017 xuống 357 triệu USD năm 2021.

Chia sẻ:


Kim Thu
Chuyên gia thị trường Tôm
Email: kimthu@vasep.com.vn
Điện thoại 024. 37715055 – ext.203

Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục

  • Trang chủ - Right- BOTTOM
  • Trang chủ - Right - BOTTOM