VASEP góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số Thông tư quy định thẩm định, chứng nhận cơ sở SX, KD đủ điều kiện ATTP

(vasep.com.vn) Những ngày cuối năm, cộng đồng DN thuỷ sản đang tự hào hướng tới mốc 10 tỷ USD có thể đạt được vào cuối tháng 11 này. Nhưng 3 tháng cuối năm và năm tới là giai đoạn khó khăn của ngành thuỷ sản khi mà XK phải gánh chịu những áp lực từ thị trường do lạm phát, do nhu cầu giảm và các áp lực nội tại như chi phí đầu vào tăng cao, lại thêm lo ngại về khả năng bị siết chặt các cơ chế quản lý trong hoạt động SX-XNK.

VASEP góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi bổ sung một số Thông tư quy định thẩm định chứng nhận cơ sở SX KD đủ điều kiện ATTP

Một trong những lo ngại, đó là Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư quy định thẩm định, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản đủ điều kiện bảo đảm ATTP thuộc phạm vi quản lý của Bộ NN và PTNT. Dự thảo do Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD) xây dựng và lấy ý kiến đóng góp tới ngày 15/11/2022. Ngày 8/11 vừa qua, Cục NAFIQAD đã tổ chức họp lấy ý kiến góp ý cho dự thảo này.

Đây là một Thông tư quan trọng, sửa đổi Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNT và 48/2013/TT-BNNPTNT ảnh hưởng đến việc thẩm định, đánh giá điều kiện ATTP của các cơ sở chế biến thực phẩm (trong đó có thủy sản), kiểm tra chứng nhận cho lô hàng thủy sản XK.

Tại Dự thảo, nhiều nội dung quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến  doanh nghiệp CB, XK thủy sản đã được điều chỉnh như các hình thức thẩm định cấp Giấy chứng nhận ATTP, bổ sung Danh sách XK, tần suất thẩm định, đánh giá điều kiện ATTP, thủ tục thẩm định cấp chứng thư…

Liên quan đến Dự thảo trên, ngày 6/12/2021, VASEP đã có công văn góp ý nhưng có một số ý kiến & đề xuất chưa được tiếp thu hoàn toàn tại dự thảo mới nhất (vào T11/2022). Ngoài ra, dự thảo mới này có bổ sung/sửa đổi một số nội dung doanh nghiệp thuỷ sản và VASEP nhận thấy chưa phù hợp và khả thi.

Ngày 15/11/2022, Hiệp hội VASEP đã gửi công văn số 92/CV-VASEP tới NAFIQAD về việc góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số Thông tư quy định thẩm định, chứng nhận cơ sở SX, KD đủ điều kiện ATTP.

Cụ thể, liên quan đến tiêu chí Danh sách DN ưu tiên, tại Điều 22 TT48, hiệp hội đề nghị xem xét điều chỉnh một số điểm như sau:

Thứ nhất, tại điểm c khoản 2, đề nghị điều chỉnh là:Có ít nhất 5 lô hàng xuất khẩu liên tiếp, trong đó không có lô nào bị Cơ quan thẩm quyền của Việt Nam hoặc thị trường nhập khẩu phát hiện vi phạm về ATTP  kể từ ngày được xếp hạng 1, 2”

Tại điểm b Khoản 4, đề nghị sửa là:  Cơ sở có lô hàng bị cảnh báo về ATTP được xem xét trở lại danh sách ưu tiên nếu đáp ứng quy định nêu tại điểm a, b Khoản 2 Điều này và không có thêm lô hàng bị cảnh báo về ATTP trong 5 lô liên tiếp xuất khẩu kể từ ngày hoàn thành việc báo cáo giải trình, thiết lập và thực hiện các biện pháp khắc phục được Cơ quan thẩm quyền chấp thuận đối với lô hàng bị cảnh báo trước đó.

Liên quan quy định các cơ sở bị đưa ra khỏi danh sách ưu tiên, Dự thảo bổ sung điểm c Khoản 3 điều 22 “Cơ sở có lô hàng bị Cơ quan thẩm quyền của Việt Nam hoặc thị trường nhập khẩu phát hiện vi phạm về ATTP”. Đối với mục này, VASEP đề nghị giữ nguyên theo quy định tại Điều 26, Thông tư 48/2013 và không bổ sung nội dung như đề xuất tại điểm c) này.

Liên quan đến điều 35. Giám sát lô hàng sau thẩm định, chứng nhận: Dự thảo đã tăng tần suất kiểm từ 1 năm/ lần sang 1 quý/lần (tức tăng 4 lần) và bổ sung nhiều các hoạt động kiểm tra trực tiếp tại cơ sở (thay vì trước đây chỉ làm việc với Cơ quan Hải quan). VASEP đề nghị giữ nguyên tần suất giám sát 1 năm như Thông tư 48/2013/TT-BNNPTNT. Bởi vì, việc điều chỉnh tăng gấp 4 lần/năm là một con số không nhỏ, không chỉ gây quan ngại cho DN, làm gia tăng chi phí xã hội (gồm chi phí của CQTQ và cộng đồng DN) mà còn chưa phù hợp chủ trương của Chính phủ không kiểm tra doanh nghiệp quá 1 lần/năm tại Chỉ thị 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thú tướng Chính phủ.

Ngoài ra, Hiệp hội VASEP đã tổng hợp ý kiến của DN và đề xuất kiến nghị sửa đổi 03 nội dung chưa có trong Dự thảo.

Thứ nhất, tại Điểm d, khoản 1, điều 27: nguyên tắc thẩm tra hiệu quả kiểm soát mối nguy ATTP cho các lô hàng xuất khẩu, Hiệp hội đề nghị điều chỉnh lại về: “Vị trí lấy mẫu: Tại kho bảo quản sản phẩm của nhà máy hoặc tại kho thuê bên ngoài”

Thứ hai, tại Phụ lục VI: Mẫu Giấy Chứng nhận Cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, HH đề nghị bổ sung, sửa đổi lại Mẫu Giấy chứng nhận, trong đó có xác nhận cơ sở đã tuân thủ các quy định của Hệ thống quản lý chất lượng theo HACCP.

Cuối cùng, liên quan đến quy định về xác nhận chế biến của IUU cho lô hàng XK đi Nhật Bản, đề nghị bổ sung quy định tại Dự thảo này hoặc sửa đổi, bổ sung Thông tư 21/2018/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2018 trước ngày 1/12/2022 (ngày chính thức cấp Giấy chứng nhận IUU cho các sản phẩm XK đi Nhật Bản).

Bình luận bài viết

Tin liên quan
Tin cùng chuyên mục

  • Trang chủ - Right- BOTTOM
  • Trang chủ - Right - BOTTOM