5 ngân hàng Việt liên quan vụ nghi án lừa đảo xuất khẩu 100 container hạt điều sang Ý

100 container điều trị giá gần 1.000 tỉ đồng xuất khẩu sang Ý của các doanh nghiệp Việt Nam đang có nguy cơ mất trắng. Trong vụ này, có 5 ngân hàng Việt Nam liên quan, thông qua việc thu hộ tiền.

Như Thanh Niên đã đưa tin, tối 8.3, Hiệp hội điều Việt Nam (VINACAS) đã có công văn hoả tốc đến Đại sứ quán và thương vụ Việt Nam tại Ý trước nguy cơ một số doanh nghiệp điều bị lừa mất hàng trăm triệu USD.

5 ngân hàng Việt liên quan vụ nghi án lừa đảo xuất khẩu 100 container hạt điều sang Ý - ảnh 1
Các doanh nghiệp xuất khẩu điều đang vô cùng lo lắng

Tuy nhiên, trong quá trình gửi hồ sơ nhờ thu từ ngân hàng Việt Nam tới các ngân hàng của người mua tại Ý theo hướng dẫn thì đều có sự thay đổi về số Swift (Hiệp hội Viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế). Sau khi ngân hàng của người mua nhận được bộ chứng từ thì thông báo người mua không phải khách hàng của họ và đã trả lại bộ chứng từ nhưng không ghi rõ trả theo hình thức nào. Không cung cấp số vận đơn cho ngân hàng Việt Nam cho dù ngân hàng Việt Nam đã liên hệ rất nhiều lần.Theo công văn này, các doanh nghiệp điều Việt Nam đã ký hợp đồng với một số khách hàng ở Ý thông qua công ty môi giới Kim Hạnh Việt. Tổng 100 container trị giá gần 1.000 tỉ đồng. Hiện nay, một số lô hàng đã đến cảng ở Ý, một số đang trên đường vận chuyển.

Hiện các doanh nghiệp ngành điều Việt Nam lo lắng vì không biết bộ chứng từ gốc ở đâu. Trong khi đó, bất cứ ai có bộ chứng từ gốc đều có thể gặp hãng vận chuyển để nhận hàng. Chính vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam nhận định đây là một vụ lừa đảo lớn.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, các doanh nghiệp xuất khẩu điều tại Việt Nam đã ủy nhiệm thu cho 5 ngân hàng Việt Nam thông qua phương thức nhờ thu trả tiền trao chứng từ (Documents against Payment - D/P).

Nhờ thu trả tiền trao chứng từ là hình thức thanh toán nhờ thu kèm chứng từ, theo đó người nhập khẩu chỉ lấy được bộ chứng từ khi đã chuyển vào ngân hàng đủ số tiền thanh toán. Hình thức nhờ thu này được áp dụng trong trường hợp thanh toán trả ngay.

Phương thức này có sự ràng buộc chặt chẽ giữa việc thanh toán tiền và việc nhận hàng của bên mua. Ngân hàng sẽ thay mặt người bán khống chế bộ chứng từ hàng hóa. Nhưng rủi ro ở chỗ, người bán thông qua ngân hàng mới khống chế được quyền định đoạt hàng hóa của người mua, chứ chưa thực sự khống chế được việc trả tiền của người mua.

Người mua có thể kéo dài việc trả tiền bằng cách chưa nhận chứng từ hoặc có thể không nhận hàng hóa khi tình hình thị trường bất lợi đối với họ. Như vậy, quyền lợi của bên bán vẫn chưa thực sự được đảm bảo.

Chính vì rủi ro này nên Hiệp hội điều Việt Nam đang đánh giá tình hình hiện rất cấp bách vì một số lô hàng đã đến cảng, các doanh nghiệp Việt Nam có nguy cơ mất hàng. Chính vì vậy, VINACAS đề nghị Đại sứ quán và Thương vụ Việt Nam tại Ý quan tâm hỗ trợ bằng cách làm việc với các cơ quan có thẩm quyền và hãng tàu tại Ý, đề nghị các hãng tàu trên áp dụng các biện pháp “khẩn cấp” tạm thời giữ lại các lô hàng đang nằm tại cảng và sẽ đến cảng. Chỉ cho phép giải phóng hàng khi nhận được xác nhận từ các công ty chủ hàng (người bán).

Sáng nay 9.3, VINACAS sẽ làm việc với các ngân hàng, doanh nghiệp xuất khẩu điều để tìm giải pháp xử lý. Hiệp hội này cũng cho biết chuẩn bị gửi công văn khẩn cấp tới Thủ tướng Chính phủ để báo cáo vụ việc, xin ý kiến chỉ đạo tháo gỡ.

(Theo Thanh niên)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin liên quan
Tin cùng chuyên mục