Gỡ “nút thắt” ngành chế biến thủy sản Hà Tĩnh

Dù có tiềm năng phát triển, nhưng nhiều năm qua sản phẩm chế biến thủy sản của Hà Tĩnh vẫn đang dừng lại ở phương thức sản xuất truyền thống, quy mô nhỏ lẻ, sức cạnh tranh không cao.

Với những lợi thế như đường bờ biển dài, ngư trường rộng, lao động dồi dào và nguồn nguyên liệu tại chỗ phong phú, Hà Tĩnh cần làm gì để biến tiềm năng, tài nguyên biển thành giá trị kinh tế hữu hiệu hơn?  

Mức tiêu thụ ổn định

Chúng tôi đến làng biển Thạch Kim, huyện Lộc Hà gặp bà Lưu Thị Châu, là truyền nhân ba đời làm nước mắm Đồng Châu. Tại đây, nước mắm được ủ trong những chiếc chum sành lớn, ngày nắng được bà Châu đưa ra hong, đêm đến đậy nắp lại để tránh sương. Mỗi công đoạn ủ chượp, đánh đảo, chiết nước mắm đều được thực hiện tỉ mỉ. Bà Châu khẳng định: “Nước mắm chúng tôi làm thủ công, không thêm phụ gia, chỉ có cá cơm, muối và thính. Dịch Covid-19 bùng phát, nước mắm Đồng Châu vẫn tiêu thụ ổn định, làm đến đâu bán hết đến đó nhưng chủ yếu bán trong tỉnh”.

Thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), toàn tỉnh Hà Tĩnh đã có 15 sản phẩm nước mắm, sứa ăn liền, ruốc kem, ruốc quyết, ruốc chua, cá mờm rim, tôm nõn khô, mực khô đạt tiêu chuẩn sản phẩm “OCOP 3 sao”, “OCOP 4 sao”. Điều đó cho thấy một số sản phẩm chế biến thủy sản của Hà Tĩnh bước đầu thay đổi theo hướng truyền thống kết hợp hiện đại.

Gỡ “nút thắt” ngành chế biến thủy sản Hà Tĩnh
Chế biến thủy sản tại Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Nam Hà Tĩnh.

Là một cơ sở chế biến thủy sản hộ gia đình, từ năm 2017, cơ sở thu mua và chế biến thủy, hải sản Phú Khương (huyện Kỳ Anh) đã mở rộng nhà xưởng, đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại như bể năng lượng mặt trời, hệ thống đóng chai tự động và chuyển đổi thành mô hình hợp tác xã (HTX). Bà Lê Thị Khương, Giám đốc HTX thu mua và chế biến thủy, hải sản Phú Khương nói: “Từ khi tham gia chương trình OCOP, HTX còn được địa phương hỗ trợ thiết kế logo, bao bì, nhãn mác sản phẩm, được hỗ trợ xây dựng trang web để quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Nhờ thế, năm 2020 doanh thu đạt hơn 8,5 tỷ đồng, lợi nhuận đạt hơn 2 tỷ đồng, tăng 1,5 tỷ đồng so với năm 2017. Đặc biệt, HTX  giải quyết việc làm ổn định cho 20 lao động nữ có hoàn cảnh khó khăn và 25 lao động thời vụ với thu nhập từ 6-7 triệu đồng người/ tháng”.

Tại Hà Tĩnh hiện nay chỉ có duy nhất Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Nam Hà Tĩnh-doanh nghiệp hoạt động lâu năm trong lĩnh vực chế biến thủy sản và có sản phẩm xuất khẩu. Hơn 98% sản phẩm chế biến thủy sản của công ty này là các mặt hàng cao cấp, xuất khẩu sang Nhật Bản, Mỹ, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc... với sản lượng 2.000 tấn đến 3.000 tấn/năm. Mặc dù trong đại dịch Covid-19 việc nhập nguyên liệu thường bị gián đoạn nhưng với lợi thế là mặt hàng thực phẩm thiết yếu cùng với sự nỗ lực kết nối thị trường khi dịch được kiểm soát, hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Nam Hà Tĩnh vẫn ổn định. Trong quý 1-2021, công ty đã xuất khẩu 144 tấn sản phẩm, tăng gần 82% so với cùng kỳ năm trước.

Thay đổi quy mô và hiện đại hóa

Toàn tỉnh Hà Tĩnh hiện có 431 cơ sở chế biến thủy sản, tuy nhiên 99% là cơ sở nhỏ lẻ, hộ gia đình. Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến chưa nhiều, sản xuất, chế biến bằng phương pháp thủ công, truyền thống còn khá phổ biến. Như tại thị xã Kỳ Anh, có hơn 70 cơ sở chế biến thủy sản thì chỉ có 2 cơ sở áp dụng công nghệ hiện đại như bể năng lượng mặt trời, hệ thống đóng chai, chiết xuất khép kín, tự động vào sản xuất. Còn lại, các cơ sở đều “quen” với phương thức sản xuất truyền thống và ngại mở rộng, đầu tư lớn; họ chỉ biết làm ra nước mắm ngon mà chưa biết cách để quảng bá, mở rộng thị trường... Chính vì thế, sản phẩm làm ra chỉ tiêu thụ nội tỉnh là chủ yếu.

Bà Lê Thị Khương tâm sự: “Sản phẩm chúng tôi làm ra ngon và chất lượng, được người tiêu dùng đánh giá cao nhưng do xuất phát điểm là một ngư dân nên các kiến thức về kinh doanh, quảng bá chúng tôi không biết làm gì để đưa sản phẩm của HTX đến với nhiều địa bàn khác”.

Về vấn đề trên, bà Trần Thị Hà, Chủ tịch Hội quán chế biến thủy sản Kỳ Anh cho biết: “Đa số chủ cơ sở chế biến thủy sản là phụ nữ, ngư dân. Nên chăng, Nhà nước hỗ trợ đào tạo kiến thức quản trị kinh doanh và quảng bá thương hiệu để tên tuổi của sản phẩm chế biến thủy sản của Hà Tĩnh vươn xa hơn, phủ sóng trong nước và tiến tới xây dựng những sản phẩm đẳng cấp hơn để xuất khẩu”.

Gỡ “nút thắt” ngành chế biến thủy sản Hà Tĩnh
Sản xuất, chế biến nước mắm tại HTX thu mua và chế biến thủy, hải sản Phú Khương (xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh).

“Bà con Hà Tĩnh đánh bắt hải sản nhiều nhưng phương pháp đánh bắt truyền thống, tàu thuyền không hiện đại nên chất lượng đạt để làm nguyên liệu chế biến xuất khẩu còn ít. Chúng tôi thường phải thu mua ở các tỉnh khác như Quảng Bình, Quảng Ngãi, Đà Nẵng... Ngoài ra, cảng biển Vũng Áng chưa có nhiều tuyến vận tải container quốc tế nên chúng tôi phải mang sản phẩm ra tận Hải Phòng để xuất khẩu đi các nước gia tăng thêm nhiều chi phí”,  ông Phạm Văn Túc, Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Nam Hà Tĩnh chia sẻ.

Có thể thấy, “nút thắt” quan trọng nhất của ngành chế biến thủy sản tại Hà Tĩnh là cần thay đổi quy mô, tư duy sản xuất truyền thống sang chế biến hiện đại cho chủ các cơ cở chế biến và ngư dân. Ngành chế biến thủy sản Hà Tĩnh đang trông đợi sự hỗ trợ, giúp đỡ mở rộng quy mô sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới vào đánh bắt-chế biến và đào tạo nâng cao trình độ quản trị kinh doanh, quảng bá thương hiệu. Cùng đó, cơ sở hạ tầng dịch vụ hậu cần nghề cá, dịch vụ vận tải cũng cần được xây dựng, củng cố nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và thu hút các nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực này làm đòn bẩy thúc đẩy chế biến thủy sản có bước phát triển mới.

(Theo QĐND)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục